1. Trang chủ
  2.  › 
  3. Đời sống 24h
  4.  › 
  5. Xã hội

Ứng cử viên Đại biểu HĐND quận Đống Đa - Trần Thanh Lâm Kỳ vọng về môi trường, biến đổi khí hậu

20/05/2021
Viện trưởng IESCC Trần Thanh Lâm - Ứng cử viên Đại biểu HĐND quận Đống Đa nhiệm kỳ (2021 – 2026), cho biết sẽ đại diện cho tiếng nói của người dân, tập trung tham mưu, nghiên cứu các chiến lược về môi trường nếu trúng cử. Đó cũng là chia sẻ của anh với Tạp chí Doanh nghiệp & Thương hiệu trước ngày bầu cử 23/5 tới đây.

Ứng cử viên Đại biểu HĐND quận Đống Đa nhiệm kỳ (2021-2026) - Trần Thanh Lâm, Viện trưởng, Viện Khoa học Môi trường và Biến đổi Khí hậu (IESCC).

Phóng viên: Là Viện trưởng, Viện Khoa học Môi trường và Biến đổi Khí hậu (IESCC), cảm xúc của anh khi được giới thiệu ứng cử Đại biểu HĐND quận Đống Đa nhiệm kỳ (2021 – 2026) thế nào ạ?

Ông Trần Thanh Lâm: Tôi rất vinh dự khi được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận Đống Đa cũng như Đảng ủy Khối Doanh nghiệp quận đã tạo điều kiện giúp đỡ giới thiệu, để tôi tham gia ứng cử vào Đại biểu HĐND nhiệm kỳ (2021 – 2026). Đây là lần đầu tiên tôi tham gia ứng cử và nằm trong danh sách cán bộ trẻ tuổi, với chuyên môn chính là môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Nếu được trúng cử, tôi sẽ nỗ lực hết mình để chứng minh sự tin tưởng và kỳ vọng của Ủy ban Mặt trận quận Đống Đa và Đảng ủy Khối doanh nghiệp quận Đống Đa đã dành cho tôi.

Trên địa bàn quận Đống Đa có 21 phường, được chia làm 7 tổ bầu cử, mỗi tổ 8 người. Trong đó, 5 ứng cử viên xuất sắc trong tổng số 56 đại biểu tham gia sẽ được giới thiệu ứng cử đợt này. Dự kiến từ ngày 10 – 13/5, các tổ bầu cử sẽ tổ chức cho các Đại biểu tiếp xúc với cử tri bày tỏ và nói về kế hoạch hành động của các ứng viên.

Phóng viên: Được biết, đây là lần đầu tiên anh tham với vai trò là ứng cử viên Đại biểu HĐND quận Đống Đa, anh đã chuẩn bị những gì cho ngày bầu cử vào 23/5 tới?

Ông Trần Thanh Lâm: Đối với một người tham gia ứng cử Đại Biểu Hội đồng nhân dân, đầu tiên phải hiểu thế nào là Đại biểu HĐND. Đó chính là cơ quan đại diện cho tiếng nói người dân, để truyền đạt tâm tư, nguyện vọng của người dân tới cơ quan pháp quyền, những nhà làm chính sách, đến Đảng và Nhà nước. Hiện thực hóa một cách phù hợp, tâm tư nguyện vọng của nhân dân, cũng như những điều chưa làm được.

Bất kỳ ai cũng có thể đóng góp cho sự phát triển của đất nước, không riêng gì là Đại biểu HĐND. Tuy nhiên, ở góc độ Đại biểu HĐND, sự đóng góp vào các vấn đề xã hội, hay vào điều chỉnh Luật pháp, góp phần phù hợp với từng thời kỳ lịch sử, sẽ sát với thực tế cuộc sống của người dân. Là ứng cử viên Đại biểu HĐND của quận Đống Đa, bản thân tôi chuyên nghiên cứu khoa học với các vấn đề về môi trường, đa dạng sinh học, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu, với kiến thức của mình và sự nỗ lực học hỏi, nghiên cứu, tôi hi vọng mình sẽ đóng góp một phần nào đó vào sự phát triển chung của quận Đống Đa cũng như vào sự phát triển chung về biến đổi khí hậu của đất nước.

Phóng viên: Với vai trò là Viện trưởng, Viện Khoa học Môi trường và Biến đổi Khí hậu (IESCC) và là ứng cử viên Đại biểu HĐND của quận Đống Đa nhiệm kỳ (2021 – 2026), anh có thể chia sẻ về những mục tiêu nếu trúng cử được không?

Ông Trần Thanh Lâm: Nếu được cử tri tín nhiệm và ủng hộ bầu vào Đại biểu HĐND quận Đống Đa, là một người làm chuyên môn, tôi sẽ tập trung tham mưu một số vấn đề chính, cụ thể:

Thứ nhất: Ô nhiễm tiếng ồn, trong sự phát triển mạnh mẽ của đô thị hóa hiện nay, ô nhiễm tiếng ồn đã dần trở thành vấn nạn, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe cũng như chất lượng sống của người dân. Thực tế, tại Thủ đô Hà Nội hiện nay, hàng ngày, có không ít người dân đang phải chịu đựng ô nhiễm tiếng ồn bủa vây từ khắp mọi phía. Không chỉ mỗi tiếng còi xe, tiếng động công trình đang thi công, rồi những tiếng động lớn quá mức được phát ra từ những chiếc loa của hàng karaoke dạo, các cửa hàng điện thoại, siêu thị điện máy khi vào mùa khuyến mãi.Theo Kết quả nghiên cứu và đánh giá của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường tại 12 đường và nút giao thông chính tại Hà Nội, tiếng ồn trung bình vào ban ngày là 77,8 đến 78,1 dBA (mức âm quy định của tiếng ồn), vượt tiêu chuẩn cho phép từ 7,8 đến 8,1 dBA. Tiếng ồn tương đương trung bình vào ban đêm là 65,3-75,7 dBA (vượt tiêu chuẩn từ 10-20 dBA). Trong khi đó, việc chịu đựng lâu tiếng ồn có cường độ 50 deciben (dB) có thể khiến con người giảm hiệu suất làm việc, nhất là lao động trí óc; tiếng ồn 70 dB có thể làm tăng nhịp thở, nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dạ dày và giảm hứng thú lao động.

Vì vậy, để giảm thiểu tiếng ồn tại các khu đông dân cư là cần phải giảm thiểu tiếng ồn từ các phương tiện khi tham gia giao thông – đó là hạn chế phương tiện cá nhân, tăng cường giao thông công cộng; tăng cường chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện cơ giới, cấm hoạt động các phương tiện không đáp ứng tiêu chuẩn về tiếng ồn; trồng cây xanh 2 bên đường giao thông. Riêng đối với các khu vực cần yên tĩnh như: Bệnh viện, trường học cần xây tường cao chắn ồn. Về lâu dài, việc quy hoạch đô thị, phải xem xét đến yêu cầu chống tiếng ồn đối với các khu dân cư, nơi công cộng.

Thứ hai: Ô nhiễm về không khí, một vài năm trở lại đây, vấn đề ô nhiễm không khí ở Thủ đô trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hà Nội được nêu tên trong các bảng xếp hạng về những thành phố/thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Trong các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí gây ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm như người già, trẻ em, những người mắc bệnh hô hấp, tim mạch có thể gặp những vẫn đề về sức khỏe nghiêm trọng hơn. Nguyên nhân được đưa ra là do bụi, khí thải từ các phương tiện giao thông, hoạt động xây dựng, hoạt động công nghiệp với lượng thải lớn và chưa được kiểm soát hiệu quả kết hợp với yếu tố thời tiết bất lợi trong giai đoạn giao mùa. Trước diễn biến không khí rất xấu, cá nhân sẽ cùng tham mưu với các cơ quan chức năng, các tổ chức sự nghiệp về môi trường xác định nguyên nhân; đồng thời nghiên cứu, đề xuất và triển khai đồng bộ các biện pháp khắc phục ô nhiễm không khí, cải thiện chỉ số AQI (Chỉ số báo cáo chất lượng không khí).

Thứ ba: Ô nhiễm về nguồn nước, theo các chuyên gia về môi trường, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng ô nhiễm sông, hồ nhiều năm qua là do nước thải sinh hoạt của dân cư xung quanh chưa qua xử lý xả thẳng vào sông, hồ. Ngoài ra, vẫn còn tình trạng đổ rác thải sinh hoạt, phế liệu xây dựng trực tiếp vào sông, hồ… Đặc biệt thời gian qua có rất nhiều sự kiện xảy ra làm ảnh hưởng đến môi trường nước, điển hình là việc cá chết hàng loạt ở nhiều hồ trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó Đống Đa là 1 trong số những Quận có số lượng ao, hồ có nguồn nước bị ô nhiễm nặng nhất ví dụ như Hồ Hoàng Cầu, Hồ Đắc Di. Để hạn chế việc đó thì ngoài việc nâng cao ý thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường thì việc kiểm tra, xử lý triệt để các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp vi phạm tiêu chuẩn xả thải cũng như việc duy trì việc nạo vét kênh mương, sông ngòi để xử lý triệt để các chất gây ô nhiễm có thể ngấm vào nguồn nước sạch.

Thứ tư: Ô nhiễm về thực phẩm (vệ sinh an toàn thực phẩm), một thực tế có thể nhìn thấy rất rõ đó là thực trạng vệ sinh an toàn thực phẩm đang ở mức “báo động đỏ” vô cùng nguy cấp do vấn nạn “thực phẩm bẩn” tràn lan khắp thị trường. Thực phẩm không đảm bảo về chất lượng có mặt ở khắp mọi nơi, được bày bán công khai rộng rãi và người tiêu dùng hàng ngày vẫn phải sử dụng mà có thể không biết. Thực phẩm quá hạn tái chế lại và tiếp tục cung cấp cho người tiêu dùng, gạo làm từ nhựa, trứng giả… cùng rất nhiều vấn đề khác. Bên cạnh đó là các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm bị làm giả, làm nhái khiến cho việc lựa chọn sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh rất khó khăn. Nhiệm vụ cần giải quyết đó là các cơ quan ban ngành cần có các giải pháp kiểm tra, giám sát các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm như chợ cóc, siêu thị, các cửa hàng kinh doanh thực phẩm,.... Sau đó cần chủ động xây dựng các chương trình hành động phù hợp, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tất cả cơ sở sản xuất kinh doanh (chăn nuôi, giết mổ động vật, cơ sở chế biến,…). Đồng thời có chế tài xử lý mang tính quyết liệt, xử phạt nghiêm khắc đối với các vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Và về phía người tiêu dùng cần nâng cao hiểu biết về chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng các loại thực phẩm. Người dân cần thận trọng nhiều hơn trong việc lựa chọn thực phẩm để đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, tránh mua những thực phẩm kém chất lượng, gây những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

Thứ năm: Vấn đề rác thải, một vấn đề nữa mà chúng ta cần quan tâm đấy là vấn đề về rác thải đô thị. Đây là vấn đề bức xúc của hầu hết các đô thị lớn, việc quản lý và thu gom rác thải không đáp ứng yêu cầu thực tế sẽ gây ô nhiễm môi trường, là nơi tích tụ nhiều sinh vật gây hại, truyền bệnh, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân trong khu vực.

Thứ sáu: Vấn đề về dịch bệnh, ngoài vấn đề về môi trường thì hiện nay sự bùng phát của dịch bệnh như đại dịch Covid-19 đang gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhân dân. Đa phần nhân dân Quận nói riêng đều chấp hành các quy định về phòng chống dịch, tuy nhiên còn một số bộ phận không nhỏ người dân chưa ý thức việc bảo vệ mình khỏi dịch.

- Một thực trạng hiện nay trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành đó là các quán xá trà đá vỉa hè, các nhà hàng, quán karaoke,… là nơi tụ tập của nhiều người trong điều kiện không đảm bảo yêu cầu giãn cách theo quy định.

- Từ thực trạng nêu trên, bản thân là nhà khoa học sẽ tham mưu với HĐND và các cơ quan chức năng có các hình thức nâng cao nhận thức người dân trong công tác phòng chống dịch hơn nữa cũng như đưa ra được những giải pháp khắc phục để đảm bảo sức khỏe và tính mạng của người dân đồng thời tạo sinh kế cho người dân thích ứng với điều kiện của dịch bệnh. Đặc biệt là thực hiện nghiêm túc chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của UBND Thành phố Hà Nội và các chỉ đạo của UBND Quận Đống Đa về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Thứ bảy: Vấn đề nước sạch, nước sinh hoạt đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống cư dân mỗi quốc gia. Việc đảm bảo cung cấp nước sạch cho khu vực đô thị là việc các cấp chính quyền, người dân đặc biệt quan tâm.

Thứ tám: Vấn đề biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, các biểu hiện của biến đổi khí hậu như: Sự gia tăng nhiệt độ, xâm nhập mặn, nước biển dâng, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản và tính mạng của người dân. Đối với khu vực Quận Đống Đa nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung – đây là những khu đô thị lớn, với mật độ dân cư cao thì việc ảnh hưởng của Biến đổi khí hậu là các biểu hiện về sự gia tăng nhiệt đô, lượng mưa và các hiện tượng thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng đến các hoạt động an sinh xã hội. Việc nâng cao nhận thức của người dân với việc thích ứng với Biến đổi khí hậu như việc giảm thiểu khí phát thải nhà kính, giảm bê tông hóa các khu đô thị, tăng cường tỷ lệ cây xanh, tăng cường sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường,… sẽ góp phần làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Mặt khác, chúng ta cần quan tâm đến hệ thống tiêu thoát nước trên địa bàn Quận để tránh ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan như ngập lụt gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2020, quận Đống đa đã giải quyết dứt điểm 100% người dân trên địa bàn quận, không còn sử dụng bếp than tổ ong. Đây là một thành công của chính quyền các cấp, bởi việc đun than tổ ong là một trong số các nguyên nhân, phát tán khí cacbon ra môi trường.

Nếu trúng cử vào HĐND quận Đống Đa, tôi sẽ tham mưu cho các nhà làm chiến lược, chính sách ngoài việc phát triển về kinh tế - xã hội, an sinh, quốc phòng, yếu tố môi trường phải được quan tâm, bảo vệ để phát triển bền vững.

Các ứng cử viên Đại biểu HĐND quận Đống Đa Nhiệm kỳ (2021 - 2026) tiếp xúc cử tri.

Phóng viên: Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, anh có thể chia sẻ và đóng góp về các biện pháp phòng, chống dịch Covid – 19 để cuộc bầu cử tại quận Đống Đa thực sự là ngày hội của toàn dân?

 

Ông Trần Thanh Lâm: Dịch bệnh Covid - 19 bùng phát không chỉ ở riêng nước ta mà là đại dịch mang tính toàn cầu. Tính đến nay, có hơn 41 triệu người đã mắc. Chúng ta nghe thông tin qua báo đài, vẫn thấy những ca dịch không ngừng tăng, số người tử vong cho thấy, đây là đại dịch của thế kỷ. Theo cảm tưởng của tôi, mọi người cũng nhìn thấy sự quyết liệt của chính quyền trong công tác ngăn chặn đại dịch Covid - 19.

Mỗi người dân chúng ta đều có ý thức một chút, hãy tự bảo vệ mình, bảo vệ toàn xã hội. Mỗi nhân tố là một tế bào, tế bào có phát triển thì xã hội mới phát triển. Chúng ta có bảo vệ được mình thì chúng ta mới bảo vệ được xã hội.

Về công tác bầu cử, mỗi cử tri, ứng cử viên phải tự mình ý thức và chủ động trong công tác phòng, chống dịch, tuân thủ các nguyên tắc đảm bảm “5k” theo khuyến cáo của Bộ Y tế. Tuân thủ các khuyến cáo và hướng dẫn của tổ công tác Bầu cử, góp phần vào thành công chung của ngày hội toàn dân.

Về sau này, dịch Covid – 19 cũng tương tự như bệnh cảm, bệnh sốt. Quan trọng nhất là tinh thần của mỗi người, không chủ quan, lơ là. Cần tuân thủ tất cả mọi đường lối, chỉ đạo của chính quyền về công tác phòng dịch.

Phóng Viên: Công cuộc đổi mới trong 35 năm đã đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trước đại dịch Covid – 19 kéo dài. Anh có thể chia sẻ cảm nghĩ của mình về đề án phát triển kinh tế trong quận?

Ông Trần Thanh Lâm: Như bạn biết đó, mỗi gia đình là một tế bào của xã hội, muốn xã hội phát triển thì từng tế bào phải được quan tâm để phát triển. Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, Đống Đa là quận đứng thứ 2 trong TP. Hà Nội, đạt được những mục tiêu đã đề ra. Có được kết quả trên là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực của Chính quyền các cấp, từ quận xuống phường, tới tổ dân phố và từng người dân, đã chung tay xây dựng, tạo một môi trường phát triển chung cho doanh nghiệp, người dân trên địa bàn góp phần nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội của quận giai đoạn (2021 – 2026), UBND quận Đống Đa nói riêng, cũng như TP. Hà Nội nói chung đã đặt ra là: Đảm bảo tốc độ tăng trưởng bình quân, tăng từ 12 -13%; cơ cấu kinh tế dịch vụ thương mại ước đạt 64 - 65%. Ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông, quy hoạch đầu tư xây dựng, chỉnh trang đồng bộ hạ tầng các tuyến phố, xây dựng trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao, xây dựng kế hoạch thực hiện cải tạo, hạ tầng, kỹ thuật, cảnh quan môi trường, hồ nước, công viên, các vườn hoa theo phân cấp và quy hoạch của thành phố. Đẩy mạnh phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng Khoa học công nghệ, nhất là áp dụng công nghệ 4.0 để cải thiện chất lượng cuộc sống.

Trong công cuộc chung, quận Đống Đa cũng đề ra công tác đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển y tế, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe người dân, công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ chăm sóc sức khỏe trẻ em, tăng cường quốc phòng, giữ vững an ninh, trật tự - an toàn xã hội trên địa bàn quận.

Với riêng bản thân tôi, “Mạnh chỗ nào sẽ tập trung chỗ đó”. Tôi vừa là một ứng cử viên đại biểu HĐND quận, vừa là một nhà khoa học, tôi tự thấy mình phải có trách nhiệm đưa những kiến thức, hiểu biết của mình để đóng góp trong việc xây dựng, phát triển vấn đề bảo vệ môi trường trên địa bàn quận và Thành phố, mang lại một môi trường sống trong lành cho Nhân dân.

Phóng Viên: Xin được cảm ơn anh về những chia sẻ trong vài trò của một ứng cử viên Đại biểu HĐND quận Đống Đa. Chúc anh sức khỏe, thành công, có nhiều đóng góp vào sự phát triển chung của quận Đống Đa và Thành phố Hà Nội.

Theo Linh Nhi/Doanh nghiệp & Thương hiệu

http://doanhnghiepthuonghieu.vn/ky-vong-ve-moi-truong-bien-doi-khi-hau-31257.html

Tin cùng chuyên mục


Logo

Tin tức tổng hợp Kinh tế & đời sống: Thông tin đa chiều

Giấy phép hoạt động trên mạng Internet số: 3135/GP - TTĐT, STTTT Hà Nội cấp ngày 20/6/2019. Giấy phép sửa đổi, bổ sung số: 4876/GP - TTĐT, cấp ngày 08/10/2019.

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Trần Thị Hạnh

Trụ sở: 99/26 Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội, Việt Nam

Đường dây nóng: 0388308001 - Email: toixkld@gmail.com

Vận hành bởi: Công ty Cổ phần Truyền thông Hạnh Nguyên (Hanh Nguyen CSC)